Thẩm định giá tài sản trong tranh chấp đất đai là thủ tục quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của các bên đương sự trong vụ án dân sự. Cùng Pháp Trị tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
  • Luật Giá 2013

Nội dung tư vấn

Thẩm định giá là gì?

Theo quy định của Luật Giá 2013, có thể hiểu rằng: “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điển nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá”.

Thẩm định giá trong tranh chấp đất đai là việc xác định giá trị của bất động sản tại một thời điểm có tính đến bản chất của bất động sản và mục đích của thẩm định giá. Do vậy, thẩm định giá là áp dụng các dữ liệu của thị trường so sánh mà các thẩm định viên thu thập được và phân tích chúng, sau đó so sánh với tài sản được yêu cầu thẩm định giá để hình thành giá trị của chúng.

Trường hợp nào được yêu cầu thẩm định giá lại

Trong nhiều trường hợp, sau khi định giá lần đầu, đương sự các bên sẽ có những quan điểm, ý kiến khác nhau. kéo theo đó sẽ có yêu cầu thẩm định lại. Theo quy định tại khoản 5 Điều 104 BLTTDS 2015, trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả thẩm định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá lại tài sản tranh chấp.

Thủ tục yêu cầu thẩm định giá lại trong tranh chấp đất đai

Chủ thể yêu cầu thẩm định giá lại trong tranh chấp đất đai

Các bên đương sự liên quan đến tài sản được thẩm định giá trong tranh chấp đất đai có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá lại tài sản tranh chấp khi có căn cứ chứng minh rằng kết quả thẩm định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự theo quy định về định giá, thẩm định giá tài sản.

Hồ sơ yêu cầu thẩm định giá lại

Hồ sơ yêu cầu thẩm định giá lại đối với tài sản trong tranh chấp đất đai bao gồm:

  • Mẫu đơn yêu cầu thầm định giá lại tài sản tranh chấp
  • Các giấy tờ, căn cứ chứng minh rằng kết quả thẩm định giá trước đó không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường
  • Toàn bộ thông tin, tài liệu cần thiết, phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản để hình thành kết quả thẩm định giá cuối cùng.

Trình tự tiến hành thẩm định giá lại trong tranh chấp đất đai

Trình tự tiến hành thẩm định giá lại tài sản trong tranh chấp đất đai được thực hiện theo đúng trình tự tiến hành thẩm định giá ban đầu. Trường hợp đương sự tự thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản thì kết quả thẩm định giá sau đó được cung cấp cho Tòa án.

Trường hợp Tòa án ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản thì trình tự tiến hành được thực hiện như sau:

  • Sau khi có quyết định thẩm định giá lại, Tòa án thành lập hội đồng định giá gồm, Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Trong trường hợp thẩm định tại chỗ đối với tài sản là bất động sản, đại diện Ủy Ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Khi tiến hành thẩm định giá phải có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng định giá.
  • Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc về Hội đồng định giá.
  • Việc định giá phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự.
  • Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
  • Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Trong trường hợp thẩm định tại chỗ, sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.

Chi phí thực hiện thẩm định giá lại trong tranh chấp đất đai

Chi phí thẩm định giá tài sản là số tiền chi trả cho việc định giá tài sản trong giải quyết vụ việc dân sự. Để thực hiện việc định giá tài sản Tòa án tạm quyết định trả cho tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu định giá tài sản một số tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản. Chi phí định giá tài sản do Hội đồng định giá tính căn cứ vào quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ nộp chi phí định giá được quy định Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

“Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá được xác định như sau:

1. Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

2. Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

3. Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:

a) Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;

b) Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.

4. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì nguyên đơn phải chịu chi phí định giá tài sản.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí định giá tài sản.

5. Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người yêu cầu định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản.

6. Nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định giá tài sản của đương sự được thực hiện như nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này”.

Trên đây nội dung tư vấn về “Thủ tục thẩm định, định giá tài sản”Pháp Trị  hy vọng rằng bài viết sẽ giúp ích bạn trong cuộc sống. Bạn đọc muốn tư vấn về các vấn đề khác liên quan vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.12

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123