Quyền con người là quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền con người là quyền cơ bản của mỗi cá nhân. Quyền bào chữa là một trong những quyền quan trọng bảo đảm quyền lợi cơ bản đó. Dù có tội, hay không có tội, con người có quyền bào chữa cho chính bản thân mình.

Căn cứ pháp lý

  • Luật tố tụng hình sự năm 2015

Nội dung tư vấn

Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

“Bào chữa” được hiểu là dùng lý lẽ và chứng cớ để bênh vực cho một bên đương sự nào đó thuộc một vụ án hình sự hay dân sự trước tòa án hoặc cho việc nào đó bị lên án. Đây là việc bị tạm giữ bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa theo quy định của pháp luật và việc pháp luật quy định địa vị pháp lý của bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa (quyền và nghĩa vụ) trong TTHS, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là những biện pháp quan trọng để thực hiện quyền đó.

Như vậy, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội được hiểu là “việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạo điều kiện cần và đủ để người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đưa ra những lập luận, lý lẽ và chứng cứ phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình

Đặc điểm nguyên tắc đảm bảo quyền của người bị buộc tội

Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự được ghi nhận tại khoản 4 điều 31, khoản 7 Điều 103 Hiến pháp 2013; Điều 16 BLTTHS cụ thể:

Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa (khoản 4 điều 31 Hiến pháp 2013).

Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm (khoản 7 Điều 103 Hiến pháp 2013).

Và điều 16 Luật tố tụng hình sự năm 2015:

Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.

Đó là phương châm, quan điểm chủ đạo chi phối toàn bộ hoạt động TTHS trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật TTHS. Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong TTHS có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của Luật TTHS Việt Nam, áp dụng trong quá tình giải quyết vụ án hình sự; trở thành phương châm, định hướng chi phối toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoạt động TTHS. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các chủ thể phải tuân thủ nghiêm, đồng thời phải áp dụng chính xác và viện dẫn ở mức tối đa các quy định về việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Nếu có bất kỳ vi phạm nào về nguyên tắc bảo đảm quyền bảo chữa của người bị buộc tội thì hoạt động tố tụng đó không được công nhận tính pháp lý.

Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội có hai nội dung cơ bản là xác định nội dung quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cao bao gồm quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa; đồng thời quy định cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở quy định của Luật TTHS trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Ý nghĩa của những nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa

Ý nghĩa chính trị

Việc quy định quyền bào chữa của người bị buộc tội nói chung và người bị buộc tội trong xét xử vụ án hình sự nói riêng mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được thể hiện thông qua việc ghi nhận, mở rộng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trên thực tế. Trong các quyền cơ bản của công dân thì các quyền về chính trị thể hiện rõ nhất tính dân chủ của chế độ ta. Quy định bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội thể hiện sự đảm bảo quyền công dân và quyền con người trong quá trình tham gia tố tụng, góp phần tích cực bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giúp Tòa án ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế việc chỉ thiện về buộc tội và xem xét một chiều, là chế định thể hiện rõ nét nhất của xã hội dân chủ.

Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là nội dung quan trọng trong chính sách vì con người của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc tiếp tục dân chủ hóa công tác xét xử và tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc TTHS của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, tạo nền móng vững chắc cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhìn vào thực trạng pháp luật và thực trạng thực hiện hoạt động bào chữa của TTHS ở một số quốc gia ít nhiều có thể đánh giá được quan điểm, chính sách của đảng cầm quyền và quan điểm chính trị của giới lãnh đạo của nhà nước đó về vấn đề quyền con người trong TTHS, đặc biệt là bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cường hoạt động bào chữa. Hoạt động bào chữa đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do dân và vì dân. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải đảm bảo tôn trọng pháp luật, tạo được ý thức coi trọng pháp luật, chống lại sự tùy tiện của người có quyền, xác định đúng đắn trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân và việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được coi là yêu cầu trung tâm của nội dung của nhà nước pháp quyền. Nhà nước có trách nhiệm tạo khung pháp lý và những điều kiện cần thiết khác để người bị buộc tội và người bào chữa của họ thực hiện hoạt động bào chữa hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của xã hội, của nhà nước pháp quyền. Ngược lại, hoạt động bào chữa góp phần thực hiện các đòi hỏi nói trên của nhà nước pháp quyền. Bằng hoạt động bào chữa, người bị buộc tội và người bào chữa góp phần vào việc đảm bảo pháp chế, bảo đảm pháp luật được tôn trọng và thực thi một cách nghiêm chỉnh, góp phần bảo đảm quyền con người trong TTHS.

Ý nghĩa xã hội

Quy định bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự đảm bảo sự đối tọng trong hoạt động TTHS, giữa một bên là người bị buộc tội với bên buộc tội là các cơ quan tiến hành tố tụng, đại diện thực hiện quyền lực nhà nước. Mục đích góp phần bảo đảm cho công lý được thực thi, bảo đảm việc thực hiện công bằng, dân chủ trong TTHS, không làm oan người vô tội, qua đó đảm bảo công bằng cho xã hội. Có thể nói, quyền bào chữa là cơ sở quan trọng mà pháp luật trao cho người bị buộc tội, giúp họ bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền này thuộc về phía cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Điều này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải luôn tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội, có tác dụng hạn chế sự lạm quyền và vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Làm được điều này, hiệu lực pháp luật sẽ được củng cố, pháp chế xã hội chủ nghĩa sẽ được tăng cường, đồng thời nâng cao uy tín của bộ máy nhà nước mà đại diện là các cơ quan bảo vệ pháp luật, giúp củng cố lòng tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp hình sự, vào pháp luật Nhà nước, góp phần ổn định trật tự xã hội.

 Ý nghĩa thực tiễn

Bị can, bị cáo tham gia tố tụng với tư cách người bị buộc tội, có vị trí trung tâm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Họ là đối tượng bị pháp luật coi là những người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự, do đó, họ dễ bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp đến từ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Việc quy định rõ quyền này của người bị buộc tội thực hiện một cách có hiệu quả trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, không chỉ là cách hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội mà còn góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật. Thông qua việc thực hiện quyền này, người bị buộc tội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ của TTHS là phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa; giáo dục ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Trên cơ sở quy định đầy đủ quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, BLTTHS sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho bị can, bị cáo khi tham gia vào quan hệ pháp luật TTHS, giúp họ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình. Đồng thời, việc quy định quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn xét xử cũng đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; là căn cứ pháp lý để phát sinh nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Pháp Trị liên quan đến “Quyền bào chữa trong Tố tụng hình sự. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề khác liên quan vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123