Mức lương tối thiểu vùng luôn tăng, tuy nhiên lại rất chậm rãi, từ từ. Vừa qua ngày 01/07/2022 mức lương tối thiểu vùng được quy định tăng thêm 6%. Mức tăng này là cao hay thấp? Việc tăng mức lương tối thiểu vùng thì quyền lợi người lao động sẽ như thế nào? Sẽ có nhiều người thắc mắc, nếu lương tối thiểu vùng tăng, trợ cấp thất nghiệp có tăng không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý
- Luật Việc làm năm 2013
- Luật Lao động năm 2019
- Nghị định 38/2022/NĐ-CP
- Nghị định 38/2019/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
Tiền lương tối thiểu vùng từ 01/07/2022
Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Các đối tượng dưới đây sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu mới từ ngày 01/07/2022:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu theo quy định.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% so với mức lương hiện hành.
Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng quy định theo 4 vùng như sau: vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Lương tối thiểu vùng tăng, trợ cấp thất nghiệp có tăng không?
Theo quy định, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người đóng bảo hiểm thất nghiệp (BNTN) cũng có sự gia tăng.
Theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Cách tính mức lương tối thiểu vùng
– Trường hợp 1: không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức lương cơ sở hiện nay vẫn đang áp dụng ở mức 1,49 triệu đồng/tháng, có nghĩa là không quá 7.450.000 đồng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP)
– Trường hợp 2: không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Theo khoản 1 điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, 5 lần mức lương tối thiểu vùng được tính như sau:
– Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng x 5 = 23.400.000 đồng
– Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng x 5 = 20.800.000 đồng
– Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng x 5 = 18.200.000 đồng
– Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng x 5 = 16.250.000 đồng
Có thể thấy, lương tối thiểu vùng tăng nhưng không tăng tiền trợ cấp thất nghiệp mà chỉ tăng mức tối đa được hưởng. Điều này nhằm mục đích phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mới theo quy định.
Cách tính thời gian hưởng trợ cấp
Theo điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp tính theo số tháng đóng BHTN:
– Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
– Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 12 tháng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Pháp Trị liên quan đến câu hỏi “Lương tối thiểu vùng tăng, trợ cấp thất nghiệp có tăng không?”. Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123