Trong hồ sơ lý lịch của cá nhân, bên cạnh việc chứng minh bản thân cần phải có lý lịch tư pháp trong sạch. Lý lịch của nhân thân người viết hồ sơ cũng cần phải minh bạch, rõ ràng để biết bản thân có bị cấm hay không bị cấm thực hiện một số công việc yêu cầu lý lịch rõ ràng như thi tuyển vào các trường công an, quân đội, xét duyệt vào Đảng… Do đó, bài viết sau đây sẽ làm rõ hơn về câu hỏi “Cha mẹ được xoá án tích thì hồ sơ lý lịch của con có cần liệt kê hay không?”

Căn cứ pháp lý

  • Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Luật lý lịch tư pháp năm 2009

Nội dung tư vấn

Xoá án tích là gì?

Xoá án tích là việc xoá đi các dấu tích, vết tích về việc người đó đã bị kết án. Việc xoá án tích được quy định tại chương X của bộ luật hình sự, cụ thể tại khoản 1 điều 60 quy định “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án“. Ngoài ra tại khoản 2 điều 60 có quy định: “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích“.

Sau khi được xóa án tích thì người phạm tội sẽ được coi là chưa phạm tội. Điều này giúp họ hoà nhập cuộc sống thường nhật với một tâm thế thoải mái nhất, không mặc cảm vì cảm giác mình đã từng phạm tội.

Trường hợp nào được xoá án tích?

Trường hợp 1: Đương nhiên được xóa án tích

Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015:

“Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung”.

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp 2: Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Theo Điều 71 Bộ luật Hình sự, Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

+ 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.

Trường hợp 3: Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Điều 72 Luật hình sự năm 2015 quy định:Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Hình sự”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Bộ Luật hình sự 2015: “Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”.

Theo điểm b khoản 2 Điều 42 về nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1 Luật lý lịch tư pháp năm 2009: “Tình trạng án tích: b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

Như vậy, khi cha mẹ đã được xoá án tích tức là trong lý lịch tư pháp của họ đã được coi như chưa bị kết án. Do vậy, trong hồ sơ lý lịch của con không cần liệt kê.

Thủ tục xóa án tích

Thủ tục trong trường hợp đương nhiên xóa án tích

Căn cứ vào Điều 45 Luật lý lịch tư pháp 2009 quy định về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:

  • Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Cá nhân nộp các giấy tờ trên tại các cơ quan sau đây:

  • Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
  • Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú. Trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia

Vậy nếu thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích mà có nhu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì cần mang các giấy tờ trên đến nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú, nếu không có nơi thường trú thì đến nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú.

Thủ tục này có thể ủy quyền cho người khác hoặc nhờ người thân mang theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân để làm thay thủ tục này.

Thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Trong trường hợp này người bị kết án gửi hồ sơ yêu cầu tới Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án bao gồm đơn đề nghị xóa Án tích (theo mẫu đơn xin xóa án tích) và các tài liệu kèm theo như:

  • Giấy chứng nhận không phạm tội mới của cơ quan công an cấp huyện nơi người bị kết án thường trú;
  • Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;
  • Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt;
  • Bản sao sổ hộ khẩu;
  • Bản sao chứng minh nhân dân.

Lệ phí xoá án tích

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 244/2016/TT-BTC, mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người; đối với sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ) là 100.000 đồng/lần/người.

Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5000 đồng/Phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Pháp Trị liên quan đến câu hỏi Cha mẹ được xoá án tích thì hồ sơ lý lịch của con có cần liệt kê hay không?. Bạn đọc có nhu được tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123