Từ cuối thập niên 2000, sự cởi mở hơn đối với giới LGBT ở các nước phát triển đã tạo ảnh hưởng ở Việt Nam. Vấn đề này bắt đầu được đề cập và nhìn nhận dần dần ở nhiều lĩnh vực. Những người đồng tính bắt đầu tự tin hơn trong việc tìm kiếm hạnh phúc của mình. Tương tự các cặp đôi truyền thống, họ cũng mong muốn được gắn kết với nhau như một gia đình. Vậy các cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi hay không?

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Luật nuôi con nuôi năm 2010

Nội dung tư vấn

Việt Nam có công nhận hôn nhân đồng tính không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Trên cơ sở đó, các cặp đôi đồng tính hiện nay dù sống chung với nhau nhưng không có mối quan hệ ràng buộc pháp lý về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tương đương với việc giữa cặp đôi đó không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Vậy cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?

Theo Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010: “Việc nhận con nuôi sẽ xác lập quan hệ cha, mẹ, con một cách lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người con, bảo đảm cho người con được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định: Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”.

Vậy, một trong những điều kiện để nhận con nuôi phải là cá nhân đang độc thân. Hoặc cặp vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Pháp luật cũng không có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới. Vì vậy, quan hệ hôn nhân giữa những người đồng giới vẫn chưa là quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Điều đó có nghĩa là cặp đôi đồng tính không thể nhận con nuôi theo quy định pháp luật.

Có cách nào để nhận con nuôi hợp pháp hay không?

Tuy nhiên, người đồng tính có thể nhận nuôi con nuôi với tư cách là cá nhân độc thân. Tức là, một trong hai người sẽ thực hiện thủ tục nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tục nhận con nuôi được quy định như sau:

Điều kiện của người nhận con nuôi

Người nhận con nuôi phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010. Cụ thể:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
  • Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
  • Có tư cách đạo đức tốt.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định những người không được nhận con nuôi:

  • Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
  • Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
  • Đang chấp hành hình phạt tù;
  • Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Hồ sơ làm thủ tục nhận con nuôi

Hồ sơ đối với người nhận con nuôi:

  • Đơn xin nhận con nuôi
  • Bản sao Hộ chiếu/CMND/CCCD
  • Phiếu lý lịch tư pháp
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
  • Giấy khám sức khoẻ
  • Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú xác nhận

Hồ sơ đối với người được nhận nuôi:

  • Giấy khám sức khoẻ
  • Hai ảnh toàn thân chụp không quá 06 tháng
  • Biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an nhân dân cấp xã lập đối với trẻ em bị bỏ rơi
  • Quyết đinh tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng

Thẩm quyền thực hiện thủ tục

Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

Thời hạn

Thời hạn thực hiện thủ tục sẽ là 30 ngày kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được hồ sơ đề nghị nhận con nuôi.

Phí, lệ phí

Lệ phí nhà nước là 400.000 đồng khi thực hiện thủ tục.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Pháp Trị liên quan đến câu hỏi Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi?. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề khác liên quan vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123