Khiếu nại là quyền của công dân được Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Cụ thể tại điều 30 Hiến pháp: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Căn cứ pháp lý

  • Hiến pháp 2013
  • Luật khiếu nại 2011
  • Luật tiếp công dân 2013

Nội dung tư vấn

Khiếu nại là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại các quyết định hành chính, các hành vi hành chính do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành khi có căn cứ để chứng minh cho quyết định hành chính, hành vi hành chính đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, và tất nhiên, yêu câu xem xét lại phải có căn cứ kèm theo để chứng minh cho yêu cầu của mình.

Hình thức khiếu nại

Công dân có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn theo quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại 2011.

Đối tượng của khiếu nại

Đối tượng trong Khiếu nại hành chính gồm 03 đối tượng: Quyết định hành chính; Hành vi hành chính; Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức (khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011).

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện hoặc thuộc sở và cấp tương đương, Giám đốc sở và cấp tương đương, Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, Bộ trưởng có thảm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trác nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

Đối với khiếu nại lần hai thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết chỉ bao gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Giám đốc sở và cấp tương đương; Bộ trưởng.

Thủ tướng chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra các cấp có thẩm quyền lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, cá nhân thực hiện thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Luật khiếu nại 2011.

Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (Điều 9 Luật Khiếu nại 2011) Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà có giấy tờ hợp lệ làm căn cứ để chứng minh, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Trình tự, thủ tục khiếu nại

Bước 1: Nộp đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại

Người khiếu nại có thể gửi trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hoặc gửi qua đường bưu chính đến cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại.

Bước 2: Thụ lý giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giả quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, đối với khiếu nại lần hai, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.

Bước 3: Giải quyết khiếu nại

Đối với khiếu nại lần đầu: Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Đối với khiếu nại lần hai: Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Kết quả của khiếu nại

Kết quả của khiếu nại là quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại phải do người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định và phải có các nội dung cơ bản theo quy định tại Điều 31, Điều 40 Luật khiếu nại năm 2011.

Đối với khiếu nại lần đầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Đối với khiếu nại lần hai, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Pháp Trị liên quan đến câu hỏi “Quy định của pháp luật về thủ tục khiếu nại. Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123