Khi quyền lợi ích hợp pháp của bạn bị cá nhân, pháp nhân khác xâm phạm pháp luật quy định quyền để bạn thực hiện bảo vệ mình. Trong trường hợp này, pháp luật quy định cá nhân có quyền tố giác tội phạm. Để tố giác tội phạm thì bạn cần làm những gì? Tố giác đến cơ quan nào? Mất bao nhiều thời gian để cơ quan tiếp nhận? Sau khi được tiếp nhận thì làm gì tiếp theo? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Nội dung tư vấn

Tố giác tội phạm là gì?

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền (khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015).

Như vậy Người tố giác tội phạm có thể là người phát hiện, bị hại, người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra.

Tố giác đến đâu?

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác gồm: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát các cấp; Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Theo từng hành vi phạm tội, tính cấp bách của sự việc, theo địa giới hành chính mà bạn chọn đơn vị tiếp nhận tin tố giác tội phạm. Trong trường hợp bạn không tìm được đơn vị phù hợp cho tin tố giác tội phạm của mình, bạn nên báo tin đó cho Công an cấp xã nơi hành vi phạm tội được thực hiện.

Thẩm quyền điều tra được quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự  quy định: “ Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”.

Hình thức tố giác tội phạm

Người tố giác thực hiện quyền của mình qua một trong hai hình thức:

Người tố giác tố giác trực tiếp bằng lời nói. Tại hình thức này, người tố giác đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền để khai báo, trình bày về tình huống mà mình gặp phải, mà mình biết.

Người tố giác gửi đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền. Cán bộ nhận đơn sẽ lập Biên bản tiếp nhận theo mẫu số 09, ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an. Biên bản này được lập thành ba bản, một bản giao cho người tố giác, báo tin về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, hai bản đưa vào hồ sơ vụ việc.

Quy trình giải quyết tin tố giác

Trình tự, thủ tục, các hoạt động giải quyết tin báo tố giác tội phạm trong vụ việc này được quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BCA quy định thời hạn cơ quan điều tra giải quyết tin báo tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Nếu xác định tố giác về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác về tội phạm, cùng các tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định; trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.

Sau khi xác định đúng thẩm quyền của cơ quan mình, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra ban hành quyết định phân công Điều tra viên, cán bộ điều tra phụ trách giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Sau khi được phân công tiến hành giải quyết tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều tra viên được phân công thụ lý có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh báo cáo lãnh đạo, chỉ huy phụ trách để trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phê duyệt trước khi thực hiện.

Nội dung kế hoạch 

Một là mục đích, yêu cầu của việc kiểm tra, xác minh tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

Hai là tóm tắt nội dung sự việc; đánh giá những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; những việc đã làm; những việc chưa làm;

Ba là về nội dung tiến hành, chi tiết như sau: Xác định cụ thể các nội dung cần kiểm tra, xác minh để làm rõ; Xác định các biện pháp có thể áp dụng trong quá trình kiểm tra, xác minh; Xác định các biện pháp bảo vệ người tố giác, báo tin, người làm chứng, bị hại, người tham gia tố tụng khác và người thân thích của họ theo quy định của pháp luật (khi có yêu cầu hoặc nếu xét thấy cần thiết);

Bốn là thời gian tiến hành: cần xác định, đề xuất cụ thể thời gian tiến hành kiểm tra, xác minh nhằm đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật;

Năm là về ổ chức thực hiện: cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công để thực hiện; đề xuất phương tiện sử dụng, kinh phí hỗ trợ; chế độ báo cáo khi có vấn đề đột xuất xảy ra trong quá trình thực hiện.

Các biện pháp áp dụng trong quá trình giải quyết tin tố giác, kiến nghị khởi tố

Khi thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chậm nhất là 07 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết hoặc khi kết thúc việc kiểm tra,  Cán bộ điều tra được phân công thụ lý chính phải có báo cáo kết thúc việc xác minh bằng văn bản báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp cho ý kiến trước khi trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Báo cáo kết thúc việc xác minh phải nêu rõ kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và đề xuất cụ thể về việc: khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án hình sự; tạm đình chỉ việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh (việc gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017).

Kết quả giải quyết 

Trên cơ sở báo cáo của Điều tra viên, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra sẽ ban hành một trong các quyết định sau: Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì ban hành Quyết định khởi tố vụ án; Trường hợp xác định không có dấu hiệu tội phạm hoặc tội phạm thì ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

Ngoài ra, trường hợp hết thời gian giải quyết tin báo tố giác tội phạm mà có lý do để tạm đình chỉ chờ kết quả giám định, kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền thì ban hành Quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Kết quả iải quyết tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố cụ thể bao gồm: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Thời hạn giải quyết

Thời hạn cơ quan điều tra giải quyết tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 9 và điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, Điều 12 Thông tư số 28/2020/TT-BCA .

Đối với tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần. nhưng không quá 02 tháng tính từ ngày hết hạn giải quyết của cơ quan điều tra ở mục trên.

Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tin tố giác, kiến nghị khởi tố nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.

Như vậy theo những văn bản trên đây, đối với tin tố giác, kiến nghị khởi tố sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngay mà không cần không phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, chờ đợi trong thời hạn 20 ngày.

Trường hợp nếu không có việc tạm đình chỉ quyết tin tố giác, kiến nghị khởi tố thì thời hạn tối đa là 04 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp nếu có việc tạm đình chỉ quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thời hạn tối đa là 05 tháng kể từ ngày nhận được tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.

Trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ điều tra thì chỉ khi nào căn cứ tạm đình chỉ không còn, cơ quan điều tra có quyết định khôi phục thì việc điều tra mới được tiến hành lại. Thời hạn tạm đình chỉ điều tra không tính vào thời hạn giải quyết tin tố giác.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Pháp Trị liên quan đến câu hỏi “Thời hạn, quy trình giải quyết tin tố giác tội phạm?. Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123