Mất việc làm, thất nghiệp luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của xã hội không chỉ ở Việt Nam mà ở cả trên thế giới. Tình trạng thất nghiệp kéo dài cùng với chất lượng cuộc sống không được đảm bảo sẽ làm suy giảm niềm tin của người lao động đến những chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thậm chí có thể gây ra biến động không tốt về chính trị. Chính vì vậy, trợ cấp thất nghiệp ngày càng trở thành một trong những chế độ quan trọng trong thị trường lao động Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết sau đây sẽ phân tích các quy định pháp luật hiện hành về trợ cấp thất nghiệp.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Việc làm năm 2013
  • Luật Lao động năm 2019
  • Nghị định 61/2020/NĐ-CP
  • Nghị định 28/2015/NĐ-CP
  • Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH

Nội dung

Trợ cấp thất nghiệp

Trợ cấp thất nghiệp là một trong các quyền lợi của chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mục đích là bù đắp thu nhập và thúc đẩy người lao động quay lại thị trường lao động.

Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Để có thể được hưởng những chế độ của bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013 thì trong những trường hợp sau sẽ đủ điều kiện:

 Thứ nhất, khi người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc: Việc chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm các trường hợp:

  • Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Luật lao động 2019.
  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tạikhoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
  • Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật lao động.
  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật lao động.
  • Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật lao động.
  • Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật lao động.
  • Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

Thứ hai, theo điều 49 Luật Việc làm năm 2013, những người lao động được hưởng trợ cấp khi:

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc đối với hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn; Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ/ theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Những lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trong thời gian 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

Thời gian nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ khoản 1 điều 46 Luật việc làm 2013, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp: Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Sau thời hạn này mà người lao động chưa nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (chưa nhận trợ cấp thất nghiệp) sẽ được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo điều 53 Luật việc làm 2013, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 Luật này.

Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp: Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; Tìm được việc làm; Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Hưởng lương hưu hằng tháng; Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng; Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục; Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; Chết; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tòa án tuyên bố mất tích; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

Người lao động được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì căn cứ quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động; người lao động bị chấm dứt hưởng bảo hiểm y tế khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, quy định về loại hợp đồng lao động tại Bộ luật Lao động năm 2019 và các trường hợp được xác định là có việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP, có 05 trường hợp người lao động không phải thông báo tình hình việc làm hằng tháng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

(i) Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;

(ii) Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

(iii) Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;

(iv) Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;

(v) Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp (ii), (iii), (iv), (v) thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.

Theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 28/2015, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư 28/2015 có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

Căn cứ theo Điều 52 Luật việc làm 2013 để được hưởng trợ cấp thất nghiệp vào các tháng tiếp theo người lao động cần báo cáo tình hình tìm kiếm việc làm của mình với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau đây:

  • Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
  • Trường hợp bất khả kháng.

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo điều 16 Nghị định 28/2015, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bao gồm:

  • Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Sổ bảo hiểm xã hội;

(iii) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

+ Quyết định thôi việc;

+ Quyết định sa thải;

+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.

Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Trên đây nội dung tư vấn về vấn đề “Trợ cấp thất nghiệp”Pháp Trị mong rằng bài viết sẽ giúp ích bạn trong cuộc sống. Bạn được tư vấn về các vấn đề khác vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123