Trưa 31/7, Ngô Văn Quốc cầm súng AK47 xông vào tiệm vàng Thái Lợi và Hoàng Đức ở chợ Đông Ba, thành phố Huế bắn vỡ tủ trưng bày. Số vàng cướp được, Quốc ném ra đường Trần Hưng Đạo, hô lớn “vàng cho người nghèo”. Thấy vàng ném ra đường, một số người bất chấp nguy hiểm lao vào nhặt.
Sáng nay, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi những người nhặt vàng trả lại tang vật để phục vụ điều tra vụ án.
Trong một khảo sát thực hiện 12h qua trên VnExpress về việc “bạn có nhặt khi thấy vàng vứt ra đường”, 50% đồng ý, nửa còn lại bình chọn “không nhặt”. Đa số độc giả nhất trí đây là hành động sai trái bởi “lấy bất kỳ thứ gì không phải của mình đều là không nên”.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cho biết hành động của người “hôi vàng” là vi phạm pháp luật – ngang nhiên lấy tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trung tướng Độ khuyên người dân nếu “lỡ” lấy vàng nên mang đến cơ quan công an, nơi đang điều tra vụ án, trả lại để tránh những hệ luỵ xấu xảy ra. Không chỉ ở vụ án này, mà tất cả trường hợp khi nhặt được tài sản của người khác, không do mình sở hữu, đều phải mang trả lại, nếu không sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Pháp Trị, cho hay Bộ luật Hình sự xác định các dấu hiệu cơ bản của tôi Cướp tài sản như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản….”.
Bởi vậy, việc nghi phạm Quốc bắn vỡ tủ kính đựng hàng được coi là hành vi sử dụng vũ lực. Khi Quốc mang vàng ra khỏi quầy, mục đích chiếm đoạt đã được thể hiện trên thực tế và tội Cướp tài sản đã hoàn thành.
Hành động ném vàng ra đường của Quốc không ảnh hưởng hay làm mất đi mục đích chiếm đoạt của người phạm tội, không ảnh hưởng việc xác định trách nhiệm hình sự của tội Cướp tài sản. Khi đó nếu ai đó cho rằng được Quốc phân phát nên vô tư nhặt vàng là không đúng, bởi số vàng này do phạm tội mà có và đang là tang vật vụ án.
Theo luật sư Lực, người nào nhặt được vàng không giao nộp dù được cơ quan chức năng yêu cầu thì có thể thể bị xử phạt hành chính về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản. Nếu số vàng trị giá dưới 10 triệu đồng, họ sẽ bị xử phạt hình chính 3-5 triệu đồng.
Trường hợp người dân “hôi vàng” có giá trị trên 10 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản, theo điều 176 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 1-5 năm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, cho biết không chỉ người nhặt vàng mà những người mua lại số vàng đó cũng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật về hành vi Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Một trường hợp khác, khi người dân nhặt vàng mà bị hại yêu cầu trả lại vẫn không trả và nhanh chóng cầm vàng tẩu thoát còn có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc Cướp giật tài sản…
“Khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi hay bỏ quên cũng không được phép tự ý lấy làm tài sản của riêng, phải thông báo và giao nộp cho chính quyền địa phương. Lòng tham khi nhặt được tài sản do bỏ quên, đánh rơi hay như trong vụ án “hôi vàng” trên có thể phải trả giá bằng những chế tài của pháp luật”, ông Cường nói.
create: Phạm Dự/VnExpress
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-hoi-vang-co-the-bi-phat-tu-4494447.html