Để giải quyết công bằng và đúng đắn các vụ việc dân sự thì sự vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng trong việc thực hiện quyền và nhiệm vụ là vô cùng quan trọng. Để đảm bảo tính khách quan và công minh trong quá trình giải quyết, pháp luật dân sự quy định những người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp có thể dẫn đến sự không vô tư của họ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Nội dung tư vấn

Người tiến hành tố tụng là gì?

Người tiến hành tố tụng là những người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Những người tiến hành tố tụng được chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình độc lập với các chủ thể khác và chỉ tuân theo pháp luật.

Những người tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 46 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 gồm có: Chánh án toà án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên, thư ký toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng

Người tiến hành tố tụng dân sự là người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự hoặc kiệm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

Đối với việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự. Người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và độc lập đối với các chủ thể khác. Tuy vậy, vẫn phải bảo đảm được việc giải quyết vụ việc dân sự và tổ chức thi hành án dân sự đúng pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành hoạt động này. Điều 13 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Người tiến hành tố tụng dân sự phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân… chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.

Căn cứ thay đổi người tiến hành tố tụng 

Thứ nhất, họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự. 

Có thể kể đến như: vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ… Đây là những người có mối quan hệ huyết thống gần gũi nhất đối với người tiến hành tố tụng. Vì vậy, quy định này của pháp luật đã dự phòng các khả năng dẫn đến sự không vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng do ảnh hưởng của yếu tố tình cảm, tình thân dẫn đến việc thiên lệch trong việc ra quyết định, bản án giải quyết vụ việc dân sự.

Thứ hai, họ đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó.

Hoạt động của những người này đã tác động không nhỏ đến việc giải quyết vụ án. Nếu người tiến hành tố tụng đồng thời đã tham gia vụ án đó với một trong các vai trò trên thì sự khách quan của họ không được bảo đảm. Họ sẽ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm giải quyết vụ việc của mình trước đó, ảnh hưởng bởi tâm lý. Từ đó dẫn đến việc thiếu khách quan khi nhìn nhận các vấn đề trong vụ án.

Thứ ba, có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Mặc dù BLTTDS 2015 chưa có Nghị quyết hướng dẫn. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP đã giải thích:

“Có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLTTDS thì các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế,…) có căn cứ rõ ràng để khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, thư ký Tòa án không vô tư khi làm nhiệm vụ”.

Trong tố tụng dân sự, mỗi người tiến hành tố tụng có những nhiệm vụ, quyền hạn riêng biệt. Do đó, mỗi nhóm người tiến hành tố tụng lại được pháp luật quy định những căn cứ thay đổi khác nhau. Cụ thể:

Căn cứ thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân

Được quy định tại Điều 53 BLTTDS 2015, theo đó, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân bị thay đổi nếu như:

  • Thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 52 BLTTDS 2015.
  • Khoản 2 Điều 53 BLTTDS quy định: khi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cùng trong một hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau thì chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
  • Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc. Riêng trường hợp là thành viên của Hội đồng thẩm phán TANDTC, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc dân sự đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Căn cứ thay đổi Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên

Thẩm tra viên là người tiến hành tố tụng mới được quy định tại BLTTDS 2015, cụ thể, Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên bị thay đổi trong những trường hợp sau:

  • Thuộc một trong những trường hợp quy định tại điều 52 BLTTDS 2015;
  • Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;
  • Là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ việc.

Căn cứ thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

Kiểm tra viên cũng là người tiến hành tố tụng mới được quy định tại BLTTDS 2015. Trong những trường hợp sau thì Kiểm sát viên, kiểm tra viên phải bị thay đổi:

  • Thuộc một trong những trường hợp quy định tại điều 52 BLTTDS 2015;
  • Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Đối với Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện kiểm sát

Họ không bị thay đổi với tư cách là người lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, với tư cách là một Thẩm phán tham gia giải quyết một vụ việc dân sự cụ thể hay một Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong vụ việc dân sự thì Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện kiểm sát có thể bị thay đổi nếu có các căn cứ cho rằng họ không vô tư, khách quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Các căn cứ thay đổi đó giống các căn cứ để thay đổi Thẩm phán và Kiểm sát viên như ở trên.

Trên đây nội dung tư vấn về vấn đề.“Các căn cứ thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự”Pháp Trị mong rằng bài viết sẽ giúp ích bạn trong cuộc sống. Bạn được tư vấn về các vấn đề khác vui lòng liên hệ Hotline 0833.125.123

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Contact Me on Zalo
    0833 125 123