Tài xế xe khách Hoa Mai cố lao kịp đèn xanh gây tai nạn khiến 3 người thương vong sẽ phải đối diện mức phạt nào? Việc đền bù cho các nạn nhân sẽ được thực hiện rao sao?
Như Dân trí đã đưa tin, sáng 22/6 tài xế Cao Quốc Phát điều khiển xe khách Hoa Mai biển kiểm soát 72B-024.04 lưu thông xe hướng từ Bà Rịa – Vũng Tàu đi TPHCM. Khi đến ngã giao lộ Quốc lộ 51 – Khu công nghiệp Mỹ Xuân A đèn giao thông báo hiệu còn 4 giây đèn xanh, tài xế Phát cho xe tăng tốc cố vượt qua đèn xanh ở khu vực giao lộ với vận tốc 87 km/h và gây tai nạn khiến 3 người thương vong.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Cao Quốc Phát.
Nhiều ý kiến cho rằng, vượt ngã 4 khi đèn đang xanh cho dù là mấy giây thì cũng không sai, cái sai ở đây là đã chạy với tốc độ quá cao, vượt tốc độ cho phép gần 40 km/h và thiếu quan sát nên không thể làm chủ được tình huống nên đã gây ra tai nạn. Rất nhiều trường hợp chạy cố vượt ngã 4 kiểu này gây tai nạn vì bất thình lình xe chạy trước dừng lại đột ngột, thậm chí nhiều xe chạy phía trước cũng vượt cố, khi đèn xanh chỉ còn 1 – 2 giây, nhưng khi chạy ra đến giữa đường giữa ngã 4 thì lại đột ngột phanh gấp lại, để tránh mấy xe đi sớm 1 – 2 giây.
Theo quan điểm của bạn đọc Nam Xuân: “Làn đường ngoài cùng bên trái tại giao lộ này là dành cho xe rẽ trái mà lái xe này chạy thẳng là đã sai luật. Giờ gây tai nạn nghiêm trọng thì đi tù là đúng rồi”.
“Việt Nam cần bổ sung Luật giao thông “Không được phép tăng tốc” khi đến điểm giao nhau. Rất nhiều nước trên thế giới đã có luật này để tránh việc cố vượt đèn xanh khi chỉ còn vài giây”, ý kiến của bạn đọc Hoàng Vân.
Bạn đọc Ngọc Diệp thắc mắc, “Vậy hành vi chạy ẩu cố né đèn đỏ của lái xe rồi gây tai nạn như vậy sẽ bị xử lý thế nào? Việc đền bù cho nạn nhân thực hiện ra sao? Tài xế sẽ phải bồi thường cho các nạn nhân hay chủ hãng xe Hoa Mai sẽ phải làm việc này?”.
Vượt đèn xanh gây tai nạn sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Quách Thành Lực – Công ty luật Pháp trị cho biết, quy định về an toàn giao thông đường bộ xác định, khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ… (điều 24 Luật giao thông đường bộ năm 2008); Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình (khoản 1, điều 12 Luật giao thông đường bộ năm 2008); Nghiêm cấm: Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu (Khoản 11, điều 8, Luật giao thông đường bộ năm 2008).
Trong vụ việc này tài xế Cao Quốc Phát đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông như đã nêu trên đây, dẫn tới hậu quả làm 3 người thương vong nên hành vi của bị cáo cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, bị cáo Phát khi đi qua ngã tư còn 4 giây đèn xanh thì không vi phạm quy định về việc tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Trong vụ việc này hành động không giảm tốc độ và còn chạy xe quá tốc độ mới là hành vi vi phạm.
Trong vụ việc này cũng cần xác định xem người đi xe máy có vi phạm quy tắc giao thông hay không. Nếu có vi phạm của người đi xe máy thì chỉ có thể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm bồi thường dân sự của tài xế Cao Đức Phát, nhà xe Hoa Mai chứ không ảnh hưởng nhiều đến trách nhiệm hình sự của bị cáo Cao Đức Phát.
Theo luật sư, tài xế Cao Đức Phát có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 260 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
Luật sư Lực nhấn mạnh, hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản (Điều 3, Thông tư 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông).
Tài xế hay hãng xe Hoa Mai sẽ phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân?
Khi xảy ra tai nạn giao thông, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự thì bên có lỗi còn phải chịu trách nhiệm dân sự hay còn gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Trong đó, việc BTTH ngoài hợp đồng phải thực hiện theo 5 nguyên tắc được quy định tại BLDS bao gồm:
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật…
– Người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường.
– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Theo Bộ luật dân sự năm 2015, trong các vụ tai nạn giao thông thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như mô tô, ô tô… được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào việc thiệt hại là do con người hay do tự thân phương tiện gây ra mà xác định trách nhiệm BTTH.
Đối với trường hợp này, tài xế lái xe gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Và việc xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của người có lỗi gây ra vụ tai nạn sẽ được thực hiện theo Điều 586 BLDS.
Ngoài ra, nếu người gây tai nạn là người của pháp nhân hoặc người làm công và gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc được pháp nhân, người thuê mướn giao cho thì pháp nhân, người thuê mướn sẽ phải BTTH do người của mình gây ra.
Nếu pháp nhân, người thuê mướn đã BTTH thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Luật sư khẳng định, ở vụ việc này, nhà xe Hoa Mai sẽ phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại dân sự do người lao động của mình là lái xe Cao Đức Phát gây ra, sau đó nhà xe Hoa Mai mới yêu cầu lái xe hoàn trả. Theo quy định tại điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015, bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
create: Khả Vân/dantri.com.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-tai-xe-xe-khach-co-lao-kip-den-xanh-tong-chet-nguoi-ai-boi-thuong-20220624112203569.htm